Giá trị pháp lý của chữ ký số trong giao dịch điện tử mới 2024
Giá trị pháp lý của chữ ký số được đặc biệt quan tâm khi các giao dịch điện tử đang dần thay thế phương thức giao dịch truyền thống. Các cá nhân doanh nghiệp đặc biệt lưu ý để thực hiện giao dịch điện tử an toàn hiệu quả. Tham khảo bài viết ngay sau đây để có những thông tin bổ ích.
Giá trị pháp lý của chữ ký số trong giao dịch điện tử.
1. Định nghĩa về chữ ký số
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP thì chữ ký số được định nghĩa là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
- Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
- Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.
Bên cạnh đó tại Luật giao dịch điện tử 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024) định nghĩa chữ ký số như sau:
“Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.”
Thông qua các định nghĩa có thể hiểu đơn giản chữ ký số là một dạng của chữ ký điện tử gồm cặp khóa bí mật và khóa công khai được sử dụng để xác định chính xác người ký và bảo vệ toàn vẹn nội dung được ký.
Mặc dù có 2 định nghĩa khác nhau về chữ ký số tuy nhiên hai định nghĩa đều thống nhất về mặt ý nghĩa, giúp người dùng có thể hình dung và phân biệt được chính xác về chữ ký số.
2. Giá trị pháp lý của chữ ký số
Chữ ký số được tạo ra nhằm thay thế cho chữ ký tay (đối với cá nhân) và thay thế con dấu (đối với tổ chức) do đó chữ ký số đảm bảo giá trị pháp lý tương đương với chữ ký tay hoặc cân dấu.
Văn bản đáp ứng yêu cầu khi có chữ ký số theo quy định của Pháp luật.
2.1 Quy định về giá trị pháp lý của chữ ký số
Cá nhân, tổ chức khi sử dụng chữ ký số cần thực hiện các giao dịch điện tử cần tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và Luật Giao dịch điện tử. Giá trị pháp lý của chữ ký số sẽ đảm bảo cho giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử mà cá nhân, doanh nghiệp thực hiện.
Tại Điều 8, Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định về giá trị của chữ ký số như sau:
- Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.
- Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.
Ngoài ra, đối với chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam (theo quy định của pháp luật Việt Nam) thì có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.
Như vậy, giá trị pháp lý của chữ ký số được thể hiện khi các văn bản cần có chữ ký hoặc con dấu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu văn bản đó được ký bằng chữ ký số đảm bảo an toàn quy định tại Điều 9, Nghị định 130/2018/NĐ-CP.
2.2 Chữ ký số an toàn theo quy định của pháp luật
Chữ ký số có giá trị pháp lý khi chữ ký số đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9, Nghị định 130/2018/NĐ-CP cụ thể chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.
3. Bắt buộc sử dụng chữ ký số an toàn trong trường hợp nào
Trên thực tế không phải trường hợp giao dịch điện tử nào cũng cần sử dụng chữ ký số. Tuy nhiên, để đảm bảo giá trị pháp lý cao cho các giao dịch thì cá nhân, đơn vị cần sử dụng chữ ký số an toàn theo quy định.
Trường hợp bắt buộc sử dụng chữ ký số an toàn.
Sau đây là các trường hợp cá nhân, doanh nghiệp bắt buộc sử dụng chữ ký số an toàn.
- Giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước: lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; kê khai thuế điện tử; kê khai BHXH điện tử; kê khai hải quan điện tử.
- Ký hợp đồng điện tử mà hợp đồng bắt buộc phải có chữ ký của một trong các bên hoặc tất cả các bên: Ký hợp đồng lao động điện tử, ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu; hợp đồng mua bán xe ô tô.
- Giao dịch với ngân hàng
Bên cạnh các trường hợp bắt buộc phải sử dụng chữ ký số an toàn, các trường hợp giao kết hợp đồng thương mại có giá trị hợp đồng lớn thì nên sử dụng chữ ký số đảm bảo an toàn để đảm bảo giá trị pháp lý của chữ ký số là cao nhất. Điều này giúp tránh rủi ro về tranh chấp, vi phạm hợp đồng.
Trên đây là chia sẻ về giá trị pháp lý của chữ ký trong các giao dịch điện tử, cá cá nhân tổ chức lưu ý để tránh rủi ro khi giao kết hợp đồng điện tử hoặc thực hiện các giao dịch điện tử theo quy định.