Hồ sơ cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Việc chuẩn bị hồ sơ cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là bước bắt buộc đối với các tổ chức muốn tham gia thị trường cung cấp chữ ký số tại Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp đầy đủ các yêu cầu về hồ sơ và quy trình thực hiện theo quy định mới nhất.
1. Điều kiện xin cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Cần đảm bảo các điều kiện để được cấp phép cung cấp dịch vụ.
Theo quy định tại Điều 13, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cần đáp ứng đầy đủ bốn nhóm điều kiện sau:
1.1. Điều kiện về chủ thể
Doanh nghiệp phải được thành lập hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với phạm vi dịch vụ dự kiến cung cấp.
1.2. Điều kiện về tài chính
- Ký quỹ tối thiểu 5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Khoản ký quỹ này nhằm đảm bảo giải quyết rủi ro, bồi thường thiệt hại (nếu có) và chi phí duy trì dữ liệu trong trường hợp bị thu hồi giấy phép.
- Đóng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số theo quy định, đặc biệt trong trường hợp xin cấp lại giấy phép.
1.3. Điều kiện về nhân sự
- Doanh nghiệp phải bố trí nhân sự chuyên trách cho các vị trí: quản trị hệ thống, vận hành hệ thống, cấp phát chứng thư số và đảm bảo an toàn thông tin.
- Nhân sự ở các vị trí trên cần có trình độ đại học trở lên, thuộc chuyên ngành an toàn thông tin, công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông.
1.4. Điều kiện về kỹ thuật
- Hệ thống thiết bị kỹ thuật phải đảm bảo các yêu cầu về bảo mật, lưu trữ, kiểm soát truy cập và vận hành an toàn:
- Lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin thuê bao và tình trạng hiệu lực của chứng thư số, cho phép và hướng dẫn người sử dụng Internet truy nhập trực tuyến 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
- Tạo cặp khóa bí mật – công khai với độ an toàn cao, chỉ cho phép mỗi cặp khóa được tạo ra ngẫu nhiên và đúng một lần duy nhất; có tính năng đảm bảo khóa bí mật không bị phát hiện khi có khóa công khai tương ứng.
- Có khả năng phát hiện, ngăn chặn truy cập trái phép.
- Giảm thiểu tiếp xúc với môi trường Internet và đảm bảo bảo mật trong phân phối khóa.
- Hạ tầng kỹ thuật cần được đặt tại Việt Nam, có phương án dự phòng, an toàn cháy nổ, phòng chống thiên tai, và kiểm soát truy cập vật lý – mạng.
- Có phương án kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin và các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đang có hiệu lực.
- Có trụ sở, nơi đặt máy móc, thiết bị phù hợp với yêu cầu của pháp luật về phòng, chống cháy, nổ; có khả năng chống chịu lũ, lụt, động đất, nhiễu điện từ, sự xâm nhập bất hợp pháp của con người;
- Quy chế chứng thực phải tuân thủ theo mẫu do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia ban hành.
- Hệ thống cung cấp dữ liệu thuê bao phải sẵn sàng kết nối trực tuyến để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Thaison Soft nhận giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Hồ sơ xin cấp giấy phép bao gồm những gì?
Theo Điều 14, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp xin cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định, ghi đầy đủ thông tin của doanh nghiệp (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP).
- Giấy xác nhận ký quỹ ngân hàng được cấp bởi ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Phải có cam kết thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang trong phạm vi khoản tiền ký quỹ, nhằm xử lý rủi ro, bồi thường thiệt hại hoặc thanh toán chi phí lưu trữ dữ liệu khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép.
- Hồ sơ nhân sự bao gồm sơ yếu lý lịch, bằng cấp, chứng chỉ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật tham gia vận hành dịch vụ. Các nhân sự này phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn quy định tại điều kiện nhân sự.
- Phương án kỹ thuật: Trình bày chi tiết hệ thống thiết bị, biện pháp đảm bảo an toàn thông tin và phương án vận hành kỹ thuật, phù hợp với các yêu cầu đã nêu tại điều kiện kỹ thuật.
- Quy chế chứng thực: Được xây dựng theo mẫu quy định tại Quy chế chứng thực của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia.
3. Quy trình thẩm tra hồ sơ và cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Quy trình thẩm tra hồ sơ diễn ra nghiêm ngặt.
Theo quy định tại Điều 15, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, quy trình thẩm tra hồ sơ và cấp phép tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được thực hiện như sau:
- Thời hạn thẩm tra: Trong vòng 50 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan tiến hành thẩm tra hồ sơ.
- Điều kiện cấp phép: Doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 13, Nghị định 130/2018/NĐ-CP sẽ được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Giấy phép được cấp theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
- Trường hợp từ chối cấp phép: Nếu hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản thông báo rõ lý do từ chối cấp phép cho doanh nghiệp.
Trên đây là một số thông tin chi tiết về quy trình và điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo quy định của Nghị định 130/2018/NĐ-CP. Việc nắm rõ các tiêu chí về chủ thể, tài chính, nhân sự, kỹ thuật, thành phần hồ sơ cũng như quy trình thẩm tra là bước quan trọng để doanh nghiệp chủ động chuẩn bị và đảm bảo tuân thủ pháp lý. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh và góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống chữ ký số công cộng tại Việt Nam.
Nguyệt Nga