Chữ ký số đối với cơ quan nhà nước có những quy định như thế nào?
Chữ ký số đối với cơ quan nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Dưới đây là thông tin về chữ ký số và lợi ích của chữ ký số đối với cơ quan nhà nước giúp bạn đọc nắm rõ hơn.
1. Đơn vị cung cấp chữ ký số cho cơ quan Nhà Nước
Hiện nay, khi công nghệ phát triển mạnh mẽ hình thức giao dịch điện tử dần thay thế cho hình thức giao dịch truyền thống. Theo đó, việc xây dựng chính quyền điện tử trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Song song với sự phát triển của giao dịch điện tử, chữ ký số trở thành yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên, chữ ký số được sử dụng trong cơ quan Nhà nước cần tuân thủ quy định riêng.
Chữ ký số đối với cơ quan Nhà nước.
1.1 Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cung cấp chữ ký số cho cơ quan Nhà nước
Căn cứ theo quy định tại Điểm a và b Khoản 17, Điều 3, Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định về đơn vị cung cấp chữ ký số cho cơ quan Nhà nước như sau:
“a) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước;
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức. Hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, cơ quan Nhà Nước sẽ bắt buộc sử dụng chữ ký số được cung cấp từ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (là Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ).
1.2 Nhiệm vụ đảm bảo cung cấp chữ ký số cho cơ quan Nhà nước
Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ nhiệm vụ:
- Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khóa bí mật của chứng thư số đồng thời xử lý các tình huống sự cố xảy ra trong quá trình cung cấp và quản lý chứng thư số.
- Liên tục cập nhật, lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin yêu cầu chứng thực theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật của hệ thống chứng thực chữ ký số, đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số được an toàn, liên tục.
- Đảm bảo kênh thông tin tiếp nhận các yêu cầu cấp, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật; cập nhật và duy trì ..
- Thực hiện quản lý, vận hành, duy trì và tổ chức hướng dẫn các cơ quan, tổ chức sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý yêu cầu chứng thực.
2. Lợi ích của chữ ký số giúp các cơ quan nhà nước:
Công nghệ số phát triển không ngừng dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong phương thức làm việc của tất cả các doanh nghiệp, đơn vị. Việc sử dụng chữ ký số đối với cơ quan Nhà nước mang đến nhiều lợi ích trong đó có các lợi ích như:
- Xử lý công việc nhanh chóng, tăng cường tính hiệu quả: Chữ ký số giúp các cơ quan nhà nước ký các loại văn bản, tài liệu điện tử nhanh chóng và dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí.
- Tăng cường tính minh bạch: Chữ ký số giúp xác thực danh tính người ký và đảm bảo tính toàn vẹn của các văn bản, tài liệu điện tử.
- Quản lý dễ dàng: Thông qua chữ ký số cơ quan Nhà nước có thể tìm kiếm văn bản, tìm kiếm thông tin doanh nghiệp, đơn vị, thực hiện sắp xếp hồ sơ giấy tờ dễ dàng.
- Giảm thiểu rủi ro: Chữ ký số giúp bảo vệ các văn bản, tài liệu điện tử của cơ quan nhà nước khỏi bị giả mạo.
3. Ứng dụng của chữ ký số trong cơ quan nhà nước
Thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính và thực hiện giao dịch điện tử là 2 nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với các cơ quan Nhà nước. Chữ ký số được tận dụng một cách triệt để thay đổi phương thức làm việc truyền thống kém hiệu quả bằng phương thức làm việc hiện đại, đạt năng suất hiệu quả cao.
Ứng dụng của chữ ký số trong cơ quan Nhà nước.
Chữ ký số được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cơ quan nhà nước, bao gồm:
- Ứng dụng ký các loại văn bản, tài liệu điện tử: Chữ ký số được sử dụng để ký các loại văn bản, tài liệu điện tử, như: văn bản hành chính, báo cáo, thông báo, quyết định, hợp đồng lao động, hợp đồng hợp tác...
- Thực hiện mua bán điện tử: Chữ ký số dùng ký hợp đồng mua bán, ký hóa đơn, chứng từ điện tử…
- Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính: Chữ ký số được sử dụng để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến như kê khai thuế, kê khai hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử, giải quyết thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội... giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
- Là công cụ trong tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến: Chữ ký số được sử làm công cụ hữu ích đối với các hội nghị, hội thảo trực tuyến sử dụng ký biên bản họp, quyết định… giúp các cơ quan nhà nước kết nối với nhau và với người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Có thể thấy chữ ký số đối với cơ quan Nhà Nước đóng vai trò quan trọng giúp các cơ quan nhà nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Trong tương lai cùng với sự gia tăng của giao dịch điện tử chữ ký số trở thành thành phần không thể thiếu đối với bất kỳ tổ chức, đơn vị nào góp phần vào xây dựng hình ảnh một Nhà nước phát triển theo hướng hiện đại hóa bắt nhịp với công nghệ hóa toàn cầu mở rộng giao lưu kinh tế xã hội.