Trang chủ Tin tức Giá trị pháp lý chữ ký số? Kiểm tra chữ ký số đầy đủ giá trị pháp lý

Giá trị pháp lý chữ ký số? Kiểm tra chữ ký số đầy đủ giá trị pháp lý

Bởi: eca.com.vn - 18/11/2023 Lượt xem: 419 Cỡ chữ tru cong

   Nhiều doanh nghiệp mới đang tìm hiểu về chữ ký số thường thắc mắc về mức độ an toàn và bảo mật của công cụ này. Giá trị pháp lý chữ ký số có được pháp luật đảm bảo hay không, và nếu có thì cần đảm bảo những yếu tố nào? Để giải đáp câu hỏi trên, mời quý khách tham khảo bài viết dưới đây.

1. Chữ ký số là gì?

Chữ ký điện tử là loại chữ ký sử dụng các hình thái thông tin đi kèm dữ liệu điện tử để xác nhận chủ thể nội dung. Chữ ký điện tử có nhiều loại, trong đó bao gồm chữ ký số

Chữ ký số được hoạt động với cơ chế mã hóa bất đối xứng nhờ 2 cặp khóa công khai - bí mật. Chính nhờ cơ chế này mà chữ ký số có nhiều ưu điểm nổi bật hơn hẳn so với các loại chữ ký điện tử khác như:

  • Nội dung điện tử đã ký số không thể bị thay đổi, xóa bỏ, làm giả.
  • Chữ ký số cho phép bất cứ ai xác minh chủ thể, chứng minh nguồn gốc qua thông tin có trên chứng thư số.
  • Nội dung được ký bằng chữ ký số được bảo hộ bởi pháp luật nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Vậy trong những trường hợp nào, chữ ký số được đảm bảo về giá trị pháp lý. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm các quy định về vấn đề này tại phần tiếp theo của bài viết.

2. Chữ ký số có giá trị pháp lý không?

Nhà nước đã có những quy định cụ thể về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chữ ký số tại Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị định 130/2028/NĐ-CP.

pháp lý 1

Tìm hiểu về giá trị pháp lý chữ ký số.

2.1 Quy định về giá trị pháp lý chữ ký điện tử

Với chữ ký điện tử, giá trị pháp lý của loại chữ ký này được pháp luật Việt Nam quy định tại Điều 24 của Luật Giao dịch Điện tử 2005:

- Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký, thì yêu cầu đó được đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu và đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Phương pháp tạo chữ ký điện tử có thể xác minh danh tính người ký và tính đồng thuận đối với nội dung thông điệp dữ liệu.
  • Phương pháp tạo chữ ký điện tử đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.

- Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức, thì yêu cầu đó được đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này và chữ ký điện tử đó có chứng thực.

- Hoạt động sử dụng chữ ký của cơ quan, tổ chức phải tuân theo các quy định do Chính phủ đề ra.

2.2 Quy định về giá trị pháp lý chữ ký số

Theo Điều 8, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, chữ ký số có giá trị pháp lý khi:

- Trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký, thì yêu cầu đó được đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn (quy định tại Điều 9).

- Trường hợp văn bản, nội dung ký được pháp luật quy định phải có con dấu của cơ quan, tổ chức thì thì yêu cầu có thể được đáp ứng thay bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức với điều kiện chữ ký số đảm bảo an toàn (quy định tại Điều 9).

- Chữ ký và chứng thư số nước ngoài khi được cấp phép tại Việt Nam thì cũng có giá trị sử dụng và giá trị pháp lý tương đương với chữ ký số do tổ chức chứng thực tại Việt Nam cấp.

3. Điều kiện đảm bảo an toàn chữ ký số

Để đảm bảo an toàn, chữ ký số cần được tuân thủ theo các điều kiện tại Điều 9, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, bao gồm:

- Chữ ký số được ký trong thời gian chứng thư số còn thời hạn và có thể xác minh qua mã công khai.

- Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng cặp khóa bí mật, khóa công khai ghi trên chứng thư số được cấp bởi một trong các tổ chức dưới đây:

  • Tổ chức chứng thực chữ ký số Quốc gia;
  • Tổ chức chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
  • Tổ chức chứng thực chữ ký số công cộng;
  • Tổ chức chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.

- Tại thời điểm ký, chỉ có người ký kiểm soát khóa bí mật.

4. Hướng dẫn người nhận kiểm tra tính pháp lý chữ ký số

pháp lý 2

Người nhận cần làm thế nào để kiểm tra chữ ký số?

Quy trình kiểm tra hiệu lực chữ ký số theo quy định tại Điều 79, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP được thực hiện như sau:

- Kiểm tra lại các thông tin chứng thư số như thời hạn, phạm vi sử dụng, trách nhiệm và các thông tin cần thiết khác tại thời điểm ký số có hợp lệ và đúng theo quy định tại Điều 5, Nghị định này hay không. Người nhận có thể kiểm tra thông qua hệ thống của tổ chức chứng thực đã cấp chứng thư.

- Đối với chữ ký số được cấp chứng thư bởi các tổ chức chứng thực chữ ký số công cộng, người nhận cũng cần kiểm tra thông tin của tổ chức đó như trạng thái chứng thư số trên hệ thống của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số Quốc gia.

Sau khi chữ ký số thỏa mãn được cả 2 bước kiểm tra trên, chữ ký số đó được coi là hợp lệ và có giá trị pháp lý để đảm bảo giao dịch.

Chữ ký số là một công cụ chứng thực với nhiều ưu điểm tuyệt vời và ứng dụng trong nhiều hoạt động của doanh nghiệp. Nếu quý khách có nhu cầu tìm hiểu về dịch vụ chứng thực chữ ký số ECA, xin vui lòng liên hệ đường dây nóng 1900.4767 hoặc 1900.4768.