Trang chủ Tin tức Tổng hợp những điều cần biết về quy trình thanh lý tài sản công

Tổng hợp những điều cần biết về quy trình thanh lý tài sản công

Bởi: eca.com.vn - 10/09/2024 Lượt xem: 99 Cỡ chữ tru cong

   Quy trình thanh lý tài sản công là quy trình quan trọng với các cơ quan Nhà nước. Việc thực hiện thanh lý tài sản theo đúng quy trình không chỉ giúp đảm bảo tính minh bạch mà còn nâng cao hiệu quả quản lý tài sản. Dưới đây là tổng hợp những điều cần biết về quy trình thanh lý tài sản công. 

1. Cách phân loại tài sản công theo quy định như thế nào? 

Theo quy định tại Điều 4, Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017, tài sản công được phân loại như sau: 

  • Tài sản công tại Cơ quan, tổ chức, đơn vị: Phục vụ việc quản lý, cung cấp dịch vụ công, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng của Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam… 
  • Tài sản kết cấu hạ tầng: Phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với các công trình kết cấu hạ tầng như: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị, cụm công nghiệp, khu công nghiệp… 

tài sản 1

Phân loại tài sản công như thế nào?

  • Tài sản công tại các doanh nghiệp. 
  • Tài sản của các dự án sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước. 
  • Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định, bao gồm: Tài sản bị tịch thu, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm và đã được tìm thấy; tài sản không có người nhận thừa kế và một số loại tài sản khác thuộc về Nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn có tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao cho Nhà nước sở hữu, tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án. 
  • Tiền thuộc về Ngân sách nhà nước, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước. 
  • Đất đai, tài nguyên nước, rừng, khoáng sản, vùng biển, vùng trời, tài nguyên internet và các tài nguyên khác do nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Quy trình thanh lý tài sản công

Hiện nay, tài sản công được thanh lý trong các trường hợp dưới đây: 

  • Tài sản công đã hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật. 
  • Tài sản công mặc dù chưa hết hạn sử dụng nhưng đã bị hư hỏng, không thể sửa chữa hoặc đã sửa chữa nhưng vẫn hư hỏng, không thể sử dụng được. 
  • Khu làm việc hoặc tài sản gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của Nhà nước. 

tài sản 2

Tài sản công được thanh lý theo quy trình 4 bước.

Theo quy định tại Điều 29, Nghị định 151/2017/NĐ-CP, tài sản công của Cơ quan Nhà nước được thanh lý theo quy trình sau: 

- Bước 1: Cơ quan Nhà nước sở hữu tài sản lập hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản, sau đó gửi lên cấp trên đề nghị xem xét, quyết định. Trong đó, hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản bao gồm các giấy tờ sau: 

  • 1 bản chính của Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của Cơ quan Nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công, nêu rõ trách nhiệm tổ chức thanh lý tài sản và dự toán chi phí sửa chữa tài sản trong trường hợp xác định việc sửa chữa không hiệu quả. 
  • 1 bản chính của Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của Cơ quan quản lý cấp trên nếu có. 
  • 1 bản chính của Danh mục tài sản đề nghị thanh lý. Trong đó, nêu rõ chủng loại, số lượng, tình trạng, nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản, lý do thanh lý. 
  • 1 bản sao của Ý kiến bằng văn bản của Cơ quan chuyên môn có liên quan về tình trạng tài sản và khả năng sửa chữa đối với tài sản là nhà, công trình xây dựng chưa hết hạn sử dụng nhưng không thể sửa chữa do hư hỏng. 
  • 1 bản sao các hồ sơ khác có liên quan. 

 

- Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản, hoặc có văn bản trả lời trong trường hợp đề nghị thanh lý tài sản đó không hợp lý. 

- Bước 3: Thực hiện thanh lý tài sản theo quy định trong thời hạn 60 ngày đối với nhà làm việc hoặc tài sản gắn liền với đất và 30 ngày đối với tài sản khác. 

- Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thanh lý tài sản, Cơ quan Nhà nước có tài sản thanh lý hạch toán giảm tài sản, và báo cáo kê khai biến động tài sản theo quy định. 

3. Cơ quan nào có quyền quyết định thanh lý tài sản công?

 

tài sản 3

Cơ quan nào có quyền quyết định thanh lý tài sản công?

Theo Điều 28, Nghị định 151/2017/NĐ-CP, thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công được quy định như sau: 

  • Bộ trường hoặc Thủ trưởng Cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại Cơ quan Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương.
  • Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại Cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình.

Tóm lại, việc thanh lý tài sản công tại các Cơ quan nhà nước là hoạt động thường xuyên xảy ra. Do đó, các cá nhân tham gia cần tuân thủ quy trình thanh lý tài sản để đảm bảo quá trình này thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Hy vọng bài viết của chữ ký số ECA đã cung cấp những thông tin hữu ích cho quý độc giả để thực hiện việc thanh lý tài sản một cách nhanh chóng, chính xác và hợp pháp.