Trang chủ Tin tức Cách xác định giá trị hao mòn lũy kế tài sản cố định mới nhất

Cách xác định giá trị hao mòn lũy kế tài sản cố định mới nhất

Bởi: eca.com.vn - 30/08/2024 Lượt xem: 960 Cỡ chữ tru cong

   Khi sử dụng tài sản cố định trong sản xuất, kinh doanh, luôn có sự hao mòn nhất định. Xác định giá trị hao mòn lũy kế tài sản giúp doanh nghiệp có kế hoạch thanh lý hoặc sử dụng hợp lí tài sản và mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất. 

1. Giá trị hao mòn lũy kế là gì?

hao mòn 1

Giá trị hao mòn lũy kế là một khái niệm trong kế toán.

Trong lĩnh vực kế toán, giá trị hao mòn lũy kế của tài sản cố định là tổng số giá trị hao mòn đã được tính kể từ khi tài sản được đưa vào sử dụng cho đến thời điểm báo cáo.  

Tính giá trị hao mòn lũy kế tài sản cố định (TSCĐ) là quá trình tính toán và phân bổ một cách có hệ thống giá trị ban đầu của TSCĐ vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong suốt thời gian sử dụng của tài sản.  

Theo quy định hiện hành, tất cả tài sản cố định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả tài sản chưa sử dụng, không cần dùng, hoặc đang chờ thanh lý) đều phải được trích khấu hao theo quy định.  

2. Công thức tính giá trị hao mòn lũy kế TSCĐ

hao mòn 2

2 phương pháp tính giá trị hao mòn lũy kế.

2.1 Khấu hao số dư liền kề

Phương pháp khấu hao này thường được áp dụng cho những tài sản có xu hướng nhanh chóng mất giá trị hoặc dễ trở nên lỗi thời, chẳng hạn như máy tính và thiết bị công nghệ. Công thức tính khấu hao lũy kế theo phương pháp số dư giảm dần là:

Giá trị hao mòn hàng năm = (Giá trị sổ sách ròng - Giá trị còn lại) × Tỷ lệ khấu hao ước tính.

Gía trị hao mòn lũy kế = Tổng giá trị hao mòn từng năm

Trong đó:

  • Giá trị sổ sách ròng: Là giá trị của tài sản sau khi đã trừ đi khấu hao, tính vào đầu kỳ kế toán.
  • Giá trị còn lại: Là giá trị dự kiến của tài sản vào cuối vòng đời sử dụng.
  • Tỷ lệ khấu hao ước tính: Được xác định dựa trên mô hình ước tính mức độ sử dụng tài sản trong thời gian hữu ích của nó.

2.2 Khấu hao đường thẳng

Phương pháp này phân bổ khấu hao một cách đồng đều trong suốt thời gian sử dụng của tài sản.

Giá trị hao mòn hàng năm = Tổng giá trị TSCĐ / Số năm vòng đời của tài sản

Ví dụ: Nếu một thiết bị máy móc có giá trị ban đầu là 5 tỷ đồng và thời gian sử dụng dự kiến là 5 năm, mức khấu hao hàng năm sẽ là 20% giá trị ban đầu, tương đương 1 tỷ đồng mỗi năm. Sau năm đầu tiên, mức khấu hao lũy kế là 1 tỷ đồng; đến năm thứ hai là 2 tỷ đồng; năm thứ ba là 3 tỷ đồng; và cứ thế tiếp tục cho đến hết vòng đời sử dụng của tài sản. 

Việc lựa chọn phương pháp khấu hao lũy kế phù hợp sẽ phụ thuộc vào tính chất của tài sản và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Lưu ý về các loại tài sản không tính giá trị hao mòn luỹ kế

hao mòn 2

Tài sản cố định nào không phải xác định giá trị hao mòn lũy kế?

Theo Khoản 3, Điều 11 của Thông tư 23/2023/TT-BTC, quy định về phạm vi tài sản cố định phải tính hao mòn và khấu hao đã được điều chỉnh, trong đó có 4 loại tài sản cố định không cần tính hao mòn và khấu hao như sau:

  • Tài sản cố định là quyền sử dụng đất: Đối với trường hợp cần xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản, tài sản này sẽ không bị tính hao mòn và khấu hao, tuân thủ theo quy định tại Điều 100 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
  • Tài sản cố định đặc thù: Những tài sản cố định được coi là đặc thù và không phải chịu quá trình hao mòn và khấu hao theo quy định hiện hành.
  • Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được: Nếu tài sản cố định đã được khấu hao hoặc hao mòn đầy đủ nhưng vẫn còn khả năng sử dụng, thì sẽ không tính thêm hao mòn và khấu hao.
  • Tài sản cố định chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không sử dụng được: Nếu tài sản cố định chưa hoàn toàn khấu hao hoặc hao mòn nhưng đã bị hư hỏng và không thể tiếp tục sử dụng, sẽ không tính thêm hao mòn và khấu hao cho tài sản này.

So với Thông tư 45/2018/TT-BTC, Thông tư 23/2023/TT-BTC đã loại bỏ 2 loại tài sản cố định không tính hao mòn và khấu hao là: tài sản cố định đang thuê sử dụng và tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ của Nhà nước.

Như vậy, bài viết đã cung cấp tới quý khách thông tin chi tiết về cách tính giá trị hao mòn luỹ kế với tài sản cố định. Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng ECA hy vọng thông tin sẽ mang lại giá trị hữu ích dành cho quý khách.