Hướng dẫn thủ tục & hồ sơ khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp mới
Đăng ký và kê khai thuế ban đầu là công việc rất quan trọng với các doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, nhiều kế toán viên vẫn còn gặp khó khăn trong việc hoàn tất các thủ tục này. Bài viết dưới đây của chữ ký số ECA sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục và hồ sơ khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp mới, giúp bạn thực hiện dễ dàng và tránh các sai sót trong quá trình đăng ký.
1. Hồ sơ khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp mới thành lập
Hồ sơ khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp mới bao gồm những giấy tờ gì?
Việc chuẩn bị hồ sơ khai thuế ban đầu là công việc quan trọng để doanh nghiệp hoạt động hợp pháp và tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật. Dưới đây là các giấy tờ cần thiết trong bộ hồ sơ khai thuế ban đầu:
- Quyết định bổ nhiệm giám đốc công ty.
- Quyết định bổ nhiệm vị trí kế toán trưởng.
- Mẫu đăng ký phương pháp khấu hao tài sản cố định.
- Tờ khai đăng ký hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn.
- Bản photo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Căn cước công dân hoặc hộ chiếu photo của người đại diện pháp luật công ty.
- Phiếu đăng ký trao đổi thông tin doanh nghiệp.
- Giấy ủy quyền nếu doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân tiến hành nộp hồ sơ.
Lưu ý: Các doanh nghiệp cần chuẩn bị 02 bản hồ sơ khai thuế ban đầu để nộp: Trong đó, 1 bản nộp lên Cơ quan thuế lưu, 1 bản lưu nội bộ sau khi đã được cơ quan thuế đóng dấu.
2. Thủ tục đăng ký khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp mới thành lập
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ như trên, doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế Quận/Huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp do Cục thuế quản lý thì doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Thuế tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp chưa biết cơ quan quản lý thuế của mình ở đâu, có thể tra cứu tại website của Tổng cục thuế tại địa chỉ: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/tcnnt/mstdn.jsp để biết thông tin chi tiết và chính xác nhất.
Thời gian giải quyết hồ sơ khai thuế: Trong khoảng 2-3 ngày làm việc kể từ ngày Chi cục thuế nhận đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp.
3. Lưu ý trước và sau khi nộp hồ sơ khai thuế ban đầu
Việc nộp hồ sơ khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp mới thành lập là một bước quan trọng, nhưng cũng cần phải chú ý một số điều trước và sau khi nộp hồ sơ để đảm bảo quá trình thực hiện không gặp phải sai sót hoặc sự cố. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trước và sau khi nộp hồ sơ khai thuế ban đầu:
3.1. Những việc cần làm trước khi nộp hồ sơ khai thuế ban đầu
- Treo bảng hiệu tại trụ sở công ty: Bảng hiệu của công ty phải thể hiện đầy đủ các thông tin như: Tên công ty, mã số thuế công ty, địa chỉ trụ sở công ty.
Treo bảng hiệu công ty trước khi nộp hồ sơ thuế ban đầu.
- Mua chữ ký số: Doanh nghiệp cần đăng ký sử dụng chữ ký số để thực hiện một số thao tác nộp tờ khai lệ phí môn bài, thuế điện tử, kê khai và ký xác thực trên các phần mềm cần thiết như: Bảo hiểm xã hội điện tử, hóa đơn điện tử, khai hải quan điện tử…
- Mở tài khoản ngân hàng công ty: Sau khi có chữ ký số, doanh nghiệp cần dùng chữ ký số trích tiền trong tài khoản để nộp lệ phí môn bài vào kho bạc Nhà nước.
3.2. Những việc cần làm sau khi nộp hồ sơ khai thuế ban đầu
Sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế ban đầu, doanh nghiệp cần thực hiện các công việc sau:
- Nộp tờ khai lệ phí môn bài
Sau khi thành lập doanh nghiệp phải nộp tờ khai lệ phí môn bài.
Doanh nghiệp sau khi thành lập phải nộp tờ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 của năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu ra sản xuất kinh doanh.
Thời hạn nộp lệ phí môn bài năm 2025 như sau:
+) Chậm nhất là 30/01/2025: Áp dụng cho doanh nghiệp, chi nhánh, hoặc văn phòng đại diện thành lập từ 01/01/2024 đến 31/12/2024.
+) Chậm nhất là 30/01/2026: Áp dụng với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập từ 01/01/2025 đến 31/12/2025.
Lưu ý: Hạn cuối nộp tờ khai lệ phí môn bài chính là hạn cuối nộp tiền thuế môn bài của doanh nghiệp.
- Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và nộp thuế điện tử.
Hiện nay, theo quy định, từ ngày 1/7/2022 100% doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy. Do đó, doanh nghiệp cần sớm hoàn thiện thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử sau khi kê khai thuế ban đầu. Một số phần mềm hóa đơn điện tử chuyên dụng, được nhiều doanh nghiệp sử dụng như: Hóa đơn điện tử E-invoice, Hóa đơn điện tử Misa me Invoice…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên đăng ký nộp thuế điện tử với Cơ quan thuế để tối ưu thời gian, công sức hơn so với việc nộp thuế trực tiếp tại Kho bạc hoặc ngân hàng.
Tóm lại, việc đăng ký và khai thuế ban đầu là thủ tục bắt buộc thực hiện với Cơ quan thuế để tạo nên các quy chuẩn cho hệ thống kế toán doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về thủ tục và hồ sơ khai thuế ban đầu cho doanh nghiệp mới, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.
Nguyệt Nga